Bánh cuốn tây sơn ngày ấy và bây giờ
Ai ai trong lớp trẻ chúng ta cũng đã từng được nghe ông bà, cha mẹ, những người lớn tuổi kể về chuyện thời xưa. Nào là khi xưa lao động thế nào vất vả ra sao, phải thức khuya dậy sớm lật đật để châm bếp nấu vội 1 nồi cơm trắng ăn kèm với tí mắm hoặc là các loại cá khô.
Mỗi vùng miền có những cách ăn khác nhau nhưng miễn sao đừng quá cầu kì, đừng quá đắt đỏ là được chỉ cần nó phục vụ cho họ những bữa ăn nhanh mà lại tiện lợi cũng như hợp với túi tiền của họ. Người dân Bình Định đã sáng tạo ra cho mình “cuốn bánh cơm nguội”. Cái tên mà chỉ cần nghe thôi là chúng ta đã có thể cảm nhận được bao nhiêu là nỗi vất vả, bao nhiêu là cái khó khăn của người nông dân rồi. Cuốn bánh ấy có thành phần là bánh tráng với cơm nguội đúng như cái tên gọi của nó vậy. Cuốn bánh cơm nguội, chắt theo ít nước mắm là bữa mang theo ra đồng của người con xứ sở Bình Định. Sáng, trưa, chiều, tối, cuốn bánh là bữa ăn trên đồng cạn, dưới đồng sâu.
Giờ đây, với cuộc sống ngày càng sung túc hơn, đầy đủ hơn, hiện đại hơn thì thành phần trong những chiếc bánh cuốn ấy đã được thêm vào nhiều nguyên liệu hơn như đậu hủ, thịt lụi, chả ram, chả lụa, rau, trứng… kết hợp với chén nước chấm đặc trưng thì chiếc bánh cuốn ngày nào ấy giờ đã trở thành món ăn truyền thống của người dân Bình Định. Chiếc bánh nhỏ bé ấy đã trở thành món ăn không thể thiếu trong các dịp quan trọng như cưới hỏi, giỗ ông bà, lễ hội, lễ Tết… Khi nhắc Bình Định thì các du khách chắc chắn phải thưởng thức ngay món “Bánh cuốn Tây Sơn” – món ăn mang đậm chất văn hóa của người dân nơi đây cũng như niềm tự hào củ người con quê hương Bình Định.