Bánh tráng và nghề làm bánh tráng ở Bình Định

Công đoạn đầu tiên để làm bánh tráng là đãi gạo cho sạch rồi ngâm nước độ vài tiếng cho gạo mềm. Sau đó đem xay thành bột nước. Đây là công đoạn nặng nhọc nhất của nghề làm bánh tráng, vì bột gạo dẻo xay rất nặng, nếu đổ nước nhiều cho cối nhẹ xay thì bột loãng, bánh không ngon, dễ vỡ. Để xay 5 kg gạo bằng cối đá kiểu này nhiều khi phải mất cả đêm. Ngày nay nhờ có điện nên công đoạn này khá nhanh gọn, bột xay xong đựng trong một chậu lớn được khuấy đều. Người ta dùng một chiếc vá lớn, cán dài hơn vá bình thường múc bột đổ lên giữa tấm vải tròn được bịt căng trên miệng nồi bảy đường kính độ 5 tấc đang sôi sùng sục rồi dùng đáy tròn của vá tráng bột loang đều trên mặt vải thành một hình tròn, lớn nhỏ tuỳ theo ý thích. Công đoạn này phải làm nhanh và gãy gọn để kịp đậy nắp lên nồi bảy hấp chín chiếc bánh ở giữa. Sau thời gian chưa đầy một phút, người ta dùng một chiếc que dẹp một đầu như đũa bếp, nhưng mỏng hơn để tách bánh ra khỏi mặt vải rồi vắt lên tấm vỉ tre hình tròn cho bánh ráo nước trước khi đem trải lên vỉ tre hình chữ nhật dài để đem phơi nắng... Để có chiếc bánh tròn đều, độ dày mỏng bằng nhau thì bàn tay của người tráng bánh phải mềm dẻo và khéo léo. Đặc biệt các công đoạn này phải nhanh, gọn để bánh được chín đều và không bị sượn.



Ngày nay, nghề làm bánh tráng khá thịnh hành ở nhiều làng quê Bình Định và trở thành một trong những nghề truyền thống mang đậm bản sắc riêng của người Bình Định. Có những làng chuyên làm bánh tráng phục vụ cho cả nước, như: Làng Phú Gia, Cát Tường, huyện Phù Cát, hoặc ở các huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Tuy Phước, An Nhơn... nơi đâu cũng có nghề làm bánh tráng. Riêng xã Nhơn Lộc, huyện An Nhơn đã có một liên doanh sản xuất bánh tráng bằng dây chuyền hiện đại, mỗi tuần có thể sản xuất hàng tấn bánh tráng tiêu thụ khắp nơi trong và ngoài nước.


Bánh Cuốn Tây Sơn

h